Lực đẩy từ FDI tác động tích cực đến bất động sản Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia, lực đẩy từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua đã tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản
Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng được Tổng cục Thống kê công bố đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 5 năm qua.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD, chiếm hơn 69% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì vị trí số 2 với tổng vốn đầu tư hơn 3,36 tỷ USD, chiếm gần 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 77,6% so với cùng kỳ.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ những năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản hiện đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 14,4%. Ở phương diện ngành bất động sản, ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc hấp dẫn vốn ngoại.
“Savills ghi nhận một số dự án bất động sản nhà ở mới đã được ra mắt, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hoạt động sản xuất. Có thể nói, FDI là yếu tố thiết yếu cho thị trường bất động sản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp” - Neil MacGregor dẫn chứng.
Dưới một góc nhìn khác, ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận xét, Việt Nam đang dần dần nâng cao vị trí trên chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam vẫn ở giai đoạn nhập khẩu các chi tiết sản xuất công nghiệp phức tạp và sử dụng lao động giá rẻ để lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Tuy nhiên, với sự gia tăng của FDI, Việt Nam đang học hỏi những kỹ thuật để tự sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn, nắm bắt được nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế nội địa. Con đường phát triển này tương tự như mô hình phát triển tại Đông Á được Nhật Bản và Hàn Quốc theo đuổi. Chiến lược này cũng đã chứng minh được tính hiệu quả - chuyên gia này chia sẻ.
Theo ông Michael Kokalari, hiện có 3 yếu tố chủ chốt đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh bao gồm quá trình công nghiệp hóa nhanh nhờ dòng vốn FDI, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và thế mạnh đặc biệt về địa chính trị.
“Việt Nam rất thành công khi xây dựng được mối quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong khu vực hiện nay chỉ có Việt Nam và Singapore có thể cân bằng được vị trí giữa hai cường quốc. Đây là tiền đề cho những cơ hội chiến lược về công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế” - ông Michael Kokalari nhận xét.
Trên cơ sở phân tích, so sánh với các nước ASEAN khác, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đứng thứ ba về dòng FDI kể từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ xếp sau Indonesia và Singapore; đồng thời vượt trước Thái Lan và Malaysia. Dân số trong độ tuổi lao động trẻ của Việt Nam là 67,5 triệu người cũng là một lợi thế đáng kể để thu hút đầu tư.