Công cụ Marketing online tìm hiểu !

Đến Hải Dương thưởng thức món bánh gai Ninh Giang

Cách thành phố Hải Dương khoảng 30 km, nằm bên dòng sông Luộc, thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) từ lâu đã nổi tiếng với một loại bánh thơm ngon và bình dị mà bất kỳ ai đến đây cũng đều muốn thưởng thức, đó là bánh gai.

Bánh gai Ninh Giang có từ bao giờ chẳng ai hay. Ngay những bậc cao niên trên đất này cũng chỉ biết nghề làm bánh gai có từ thời cha mẹ mình. Tấm bánh mộc mạc bọc trong lớp lá chuối khô, nào ngờ nay đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng của đất Hải Dương. 

Bánh gai Ninh Giang

Để làm ra chiếc bánh gai ngon, đạt tiêu chuẩn không đơn giản, người làm bánh phải rất cầu kỳ, tỉ mẩn, khéo léo, trong nhiều giai đoạn. Gạo làm bánh là loại đặc sản nếp cái Hoa Vàng Kinh Môn nổi tiếng. Mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ.

Người Ninh Giang cho hay lá gai phải dùng loại lá được thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6, lá lúc đó có nhiều bột thì bánh mới dẻo và có mùi thơm. Lá gai tươi sau khi được hái về sẽ đem đi rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ. Ninh lá xong lại rửa sạch lần nữa rồi phơi khô kiệt nước và đem đi xay thành bột. Hoặc có một cách khác là lá gai tươi đem muối, ủ bằng đường 2-3 ngày, sau đó giã nát lọc lấy bột mịn rồi đem trộn với bột nếp, đường hoặc mật theo một tỷ lệ nhất định.

Bột gạo nếp, bột lá gai được trộn đều với mật để làm vỏ bánh 

Phần nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu, mỡ dùng làm nhân là loại mỡ cổ lợn được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ lợn không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Đỗ làm nhân là đỗ xanh bỏ vỏ, đem đi đãi sạch và giúp hạt đỗ mọng nước. Tiếp đó, đem đỗ luộc lên sao cho hạt đỗ bở tơi, vừa xốp lại vừa mịn mà vẫn giữ được màu vàng óng dậy lên mùi thơm bùi đặc trưng của đỗ rồi giã nhuyễn. Hạt sen chế biến để mỗi hạt đều mềm và không nát, còn nguyên hương vị.

Nhân bánh được làm từ đỗ xanh 

Mỡ lợn muối bằng đường thật khéo sao cho không còn ngấy và có độ giòn như mứt bí 

Bột gạo nếp, bột lá gai được trộn đều với mật để làm vỏ bánh. Khi trộn bột, càng vắt lâu thì bánh càng dẻo, càng mềm mại thơm ngon. Bánh gói xong sẽ có màu xanh lục nhưng sau khi đem đi hấp chín lại có màu đen bóng vô cùng hấp dẫn.

Người Ninh Giang không luộc bánh gai mà hấp trong khoảng 1 tiếng 30 phút đến khi bánh dậy mùi thơm ngậy đặc trưng. Tùy theo số lượng mỗi mẻ hấp hoặc trọng lượng bánh to hay nhỏ mà tính thời gian hấp khác nhau, khi bánh chín, vớt ra để cho nguội và ráo hơi nước. Bánh ngon phải đạt yêu cầu dẻo, dai, nhân trắng, thơm ngon,…

Bánh gai Ninh Giang khi ăn có vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh 

Khi bánh nguội, cắt bỏ dây buộc, sau đó xếp 5 chiếc buộc thành một gói trên có đính kèm nhãn mác của cơ sở sản xuất. Ngày nay, bánh gai được sản xuất bằng công nghệ hiện đại rất nhiều, nhưng cách làm thì vẫn phải thực hiện như xưa và một số công đoạn vẫn phải làm thủ công. Khi ăn bánh có vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh. 

Ngày xưa, bánh gai chỉ được dùng trong các dịp lễ, Tết, giỗ chạp. Nhưng hiện nay, bánh gai Ninh Giang được sản xuất quanh năm và xuất hiện ở hầu khắp các vùng miền ở Việt Nam, là một món quà quê giản dị, đậm đà hương vị được nhiều người ưa thích. 

Nguồn VOV

Post a Comment